Chuyển đến nội dung chính

Johannes Gutenberg và cuộc cách mạng in ấn

Johannes Gutenberg và cuộc cách mạng in ấn

Hồi giữa thế kỷ 15 có một phát minh của một con người mà giá trị của nó chỉ có mạng thông tin toàn cầu Internet trong thế kỷ 20 mới phần nào có thể so sánh nổi. Sẽ không quá lời nếu như nói rằng, thế giới chúng ta đang sống hiện tại không thể được như ngày nay nếu như không có phát minh này. Đó là phát minh ra máy in bằng những chữ cái.
Người đã phát minh ra máy in là kỹ sư người Đức Johannes Gensfleisch, hay cũng còn được gọi là Gutenberg. Tên của ông – Johannes Gutenberg – đã trở thành thương hiệu chung cho ngành công nghiệp in ấn. Nói đến Gutenberg là nói đến máy in. Nhờ có máy in mà ngành công nghiệp sách báo mới có được sự phát triển vượt bậc. Mà nhờ sách báo mới có sự truyền tải và lưu giữ tri thức của nhân loại, mới có phong trào học để biết đọc và biết viết trên khắp thế giới. Những cơ hội về phát triển con người, kinh tế và xã hội của con người kể từ mấy thế kỷ qua đều không thể có được sự phát triển và lan tỏa, ảnh hưởng và tác dụng như hiện tại nếu không nhờ có sách báo. Nhà triết học người Anh Francis Bacon, một trăm năm sau khi Gutenberg qua đời, đã từng nói: “Có ba thành tựu làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của thế giới là thuốc súng, la bàn và in sách”.

Cho tới giữa thế kỷ 15, sách được xuất bản lần đầu hay tái bản đều được chép bằng tay, mọi minh họa và trang trí đều được thực hiện cũng bằng tay. Cách làm ấy tiêu tốn rất nhiều thời gian, và bởi vậy sách là của rất hiếm, thường được coi là thứ xa xỉ dành riêng cho giới thượng lưu và những ai có tiền. Không tiếp cận được tới sách đồng nghĩa với không tiếp cận được tri thức, bị cô lập với những phát triển của khoa học kỹ thuật, bị giam cầm trong lạc hậu và không hiểu biết. Sự phát triển chung của hiểu biết của con người và xã hội bị cản trở vì thế. Và giá trị to lớn của phát minh sách in của Johannes Gutenberg cũng chính là ở chỗ đó.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng, việc phát minh ra máy in đã làm năng suất tăng 200%. Nhanh và rẻ, chất lượng cao và ổn định là những lợi thế mà phát minh của Johannes Gutenberg đã mang lại. Suy cho cùng thì đó cũng là những tố chất không thể thiếu của mọi thương hiệu.

Câu chuyện về phát minh của Johannes Gutenberg và tác dụng to lớn của phát minh này là một câu chuyện rất đặc biệt về lịch sử thương hiệu. Cùng với thời gian, rất nhiều nhà xuất bản lần lượt ra đời, rất nhiều nhà in và hãng chế tạo máy in ra đời, trở thành những thương hiệu riêng lừng danh trên thế giới. Cái tên Johannes Gutenberg không thấy ở bên cạnh những thương hiệu ấy, nhưng dường như vẫn luôn ẩn hiện ở đằng sau các thương hiệu ấy.

Những con chữ giản đơn của Johannes Gutenberg đã làm thay đổi thế giới như thế đấy. Những con chữ ấy và cách in sắp chữ của Johannes Gutenberg đã làm nên cuộc cách mạng trong ngành in ấn mà mãi đến thế kỷ 20 những máy tính điện tử và hệ thống máy in tích hợp đa năng kết nối với máy tính điện tử mới có thể thay thế được. Và chắc chn một điều rằng, nếu Gutenberg hoặc ai đó khác trong những thế kỷ qua không có được phát minh đơn giản mà kỳ diệu này thì chưa biết loài người trong thế kỷ 20 đã có được sự đổi thay trong ngành công nghiệp in ấn như vậy hay không.

Những gì mà cuộc cách mạng trong ngành in hồi giữa thế kỷ 15 đã đưa lại cho loài người xem ra chính là sự khởi nguồn cho rất nhiều, rất nhiều thương hiệu trên thế gii. Vậy mà đến nay, cái tên Johannes Gutenberg đã bị thời gian phủ bụi, đã bị trí nhớ ngắn ngủi và nhịp sống hối hả của con người trong thế giới hiện đại gần như quên lãng. Cũng dễ hiểu thôi vì Internet đã trở thành không thể thiếu đối với xã hội và con người trong thế giới chúng ta đang sống, nhưng thử hỏi đã có mấy ai để tâm đến những người đã sinh ra nó và bước đường lịch sử của nó.

Johannes Gutenberg sinh vào khoảng năm 1400 (không ai biết chính xác năm nào) và mất ngày 3/2/1468 ở thành phố Mainz (miền tây nước Đức ngày nay). Với phát minh của mình, Gutenberg thành lập một xưởng in. Không giàu có nhưng cũng không nghèo, không có địa vị xã hội cao nhưng cũng không đến nỗi không được nể trọng, Johannes Gutenberg không để lại tên tuổi của chính mình trong thương hiệu cụ thể nào còn tồn tại từ đó đến nay, không để lại một tấm hình hay bức họa chân dung chính thức nào. Thậm chí đến cả ngôi mộ của ông cũng đã bị thất lạc. Nhưng ở thành phố Mainz của nước Đức ngày nay có không ít tượng đài về con người này và biểu tượng về phát minh của ông. Thế đấy, thương hiệu được hình thành rồi mất đi, nổi danh rồi bị quên lãng, nhưng những số phận con người ẩn hiện ở đằng sau thì xem ra không bao giờ bị mất hẳn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thiết kế card visit cao cấp – thể hiện sự đẳng cấp, chuyên nghiệp

Bìa còng là gì? Các loại bìa còng có mặt trên thị trường hiện nay

Bút bi đẹp và những nguyên tắc in bút bi làm quà tặng doanh nghiệp